Xứ cảng mặn mòi có một món ăn mà không ở đâu, không một nơi nào thưởng thức món đó có được hương vị tương tự như ở đất Hải Phòng, ấy là bánh đa cua. Món ăn là kết tinh từ các nguyên liệu giản dị, nước dùng đậm đà đặc trưng làm nên thương hiệu cho một món ngon đất Cảng. Món ăn thấm đầy hương vị biển cả, hội tụ đầy màu sắc đã khiến cho bao thực khách đã ăn rồi nhưng nhắc đến vẫn cứ thòm thèm.
Để tạo nên món ăn này, đầu tiên phải kể đến thành phần bánh đa. Loại bánh đa là nét đặc trưng cho nền ẩm thực nơi đây, với màu nâu sậm, có độ dai, dẻo nhưng không cứng mà rất mềm. Người Hải Phòng có bí quyết riêng để tạo nên vị bánh đa cho riêng mình, mà được biết nhiều nhất phải nhắc đến khu vực Dư Hàng Kênh, vốn đã tồn tại cả mấy trăm năm tuổi nghề.
Khâu chế biến bánh đa đòi hỏi phải chất lượng và kỹ càng từ lúc bắt đầu ngâm gạo phải đủ thời gian, tiếp đến là chế nước vừa đủ khi xay gạo để tạo được thứ bột sánh, mịn và dẻo. Bột ấy được tẩm một thứ mật gia truyền để bánh đa có màu nâu sậm. Rồi dưới bàn tay khéo léo của những người con xứ Cảng, bột được đem đi hấp chín, tráng sương để tạo nên thứ bánh đa đặc trưng.
Bánh đa cua ở Hải Phòng có hai loại: bánh đa cua bể và bánh đa cua đồng. Bánh đa cua bể có phần sang trọng hơn khi ngoài gạch cua, trong bát còn có thêm phần thịt cua bể trắng phau, xào quyện hành khô thơm phức. Nước dùng cũng được chế từ cua bể ninh, cùng xương heo hầm kĩ nên ngọt ngào,đậm đà vô cùng. Nhưng bánh đa cua đồng có vẻ quen thuộc với số đông hơn cả.
So với bánh đa cua bể, bát bánh đa cua đồng phong phú hơn hẳn về mặt nguyên liệu. Ngoài từng miếng gạch cua hồng xốp, bát bánh đa còn là sự tổng hòa các loại chả cá, chả tròn, chả lá lốt, tôm bỏ vỏ rang săn, thịt thăn lợn trần ăn kèm với rau muống chẻ, rau nhút, rau cần... Thập cẩm nguyên liệu tạo ra một bát bánh đa có màu sắc rực rỡ với màu xanh của rau cỏ, màu đỏ hồng của tôm rang, thịt thăn, tảng gạch cua nâu nâu, màu trắng của giá tươi, màu vàng của bánh đa, chả cá, hành khô...
Để làm bánh đa cua đồng, cua đồng phải lựa loại cua tươi, yếm cua đầy đặn, thông thường người ta thường chọn cua cái vì nhiều thịt, gạch, sẽ cho vị ngọt rất tự nhiên. Cua đã chọn phải khuấy trong nước để loại bỏ hết chất bẩn, sau đó bóc mai và yếm, cho cua vào cối, cho một ít muối vào để giã cho nhuyễn và gạn lọc lấy nước thịt cua. Khâu này rất quan trọng vì nếu gạn lọc không kỹ thì nước sẽ bị sạn.
Để nước dùng thơm ngon, nhiều nơi hầm nồi nước dùng từ xương ống, sau đó cho nước thịt cua vào nấu. Trong lúc nấu khuấy nhẹ để cua không bám đáy nồi. Đợi đến lúc gần sôi thì ngừng khuấy để thịt cua đóng thành tảng. Tiếp đó, cho trái me tươi vào nấu để nước cho vị hơi chua. Gỡ gạch cua ra khỏi mai cua, dầu ăn vào xào với hành khô và tỏi, tiếp đó cho gạch cua vào xào, nhanh tay trút lên bề mặt của thịt cua, tiếp tục cho cà chua đã xào chín vào nồi thịt cua.
Kết hợp với bánh đa cua không thể thiếu các loại rau xanh, có thể là rau muống hoặc rau nhút, nhiều nơi còn có cả rau cần. Bên cạnh đó, không thể thiếu các loại rau ghém ăn chung. Cầu kỳ hơn, có nhiều nơi còn cho thêm các thành phần khác để món ăn được đa dạng như chả lá lốt hay tôm nõn, thịt chân giò…
Nhìn tổng thể, mỗi bát bánh đa cua là cả một công trình tổng hòa màu sắc cầu kì. Nước dùng trong suốt, nổi lên trên là những miếng gạch cua hồng xốp, sợi bánh đa màu nâu đỏ, thêm miếng chả lá lốt xanh đậm, hành khô chiên vàng rộm, thêm cọng rau rút, rau muống chẻ xanh mỡn, dù chỉ thưởng bằng mắt, bánh đa cua cũng khiến cái bụng đói cồn cào phải dậy lên mà biểu tình.